CUỘC THI “TRƯỜNG ĐẠI HỌC GIAO THÔNG VẬN TẢI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH TRONG TIM TÔI”

BÀI DỰ THI THỂ LOẠI VIẾT   –    MÃ SỐ DỰ THI : 25

Tên : Lại Thị Duyên
Lớp : KQ14A
MSSV : 

Hôm nay tôi sẽ viết

Có lẽ đã rất lâu rồi tôi không viết văn. Bao lâu rồi nhỉ ? Gần 2 năm rồi kể từ ngày tôi lên tàu vào miền đất phương nam đầy nắng này.

Ngày tôi còn học cấp 3, tôi thầm nhủ: khi bước chân vào đại học cũng là lúc tôi bắt đầu với cái đam mê viết lách. Ấy vậy mà đến giờ đam mê đó vẫn chưa thực hiện được.

NHƯNG, hôm nay tôi sẽ viết: Về những cảm nhận về ngôi trường này – ĐH GTVT TP.HCM trong suốt 2 năm qua.

Nhớ lại ngày đi nhập học, đó cũng là lần đầu tiên ngắm nhìn ngôi trường sẽ gắn bó với đời sinh viên của tôi. Tôi chợt nghĩ : “Sao nhìn nó như một ngôi trường phổ thông vậy nhỉ, thậm chí nó còn nhỏ hơn trường cấp 3 mình học.” Tôi lia mắt nhìn khắp và bắt gặp vòm dây leo theo hàng ghế cách điệu từ khung thép chạy dài dọc theo hông phải sân trường.Về sau này qua một nhỏ bạn cùng lớp tôi mới biết dặng dây leo đó có cái tên thật mĩ miều: Sử quân tử. Và cả cái sảnh lớn trước hội trường A nữa, nó mát mẻ làm sao!

Nói về ngày đầu tiên tới lớp đại học một chút. Nó sẽ mãi là cái ngày đầu tiên đi học đáng nhớ nhất trong đời tôi. Tôi đi học trễ. Nhưng đáng nói hơn là hình ảnh con bé hôm đó mới buồn cười làm sao. Nó ăn mặc chẳng giống ai: đầu nhuộm màu đỏ lửa, mặc cái áo xanh lè in hình cô gái môi đỏ chót vì nó nghĩ rằng đại học rồi cái chuyện ăn mặc cũng khá thoải mái. Bước vào lớp, mọi người đến đông đủ và nó nhận ra rằng “ mày đang rất khác người đấy”. Cả một lớp một màu áo trắng quen thuộc, trừ tôi. Chuyện cũng chẳng có gì nếu nó không bị cô giảng viên Toán cao cấp nhắc nhở về ăn mặc (12 năm phổ thông nó luôn là học sinh gương mẫu trong việc mặc đồng phục ). Bởi vậy mà khi chụp hình và đưa lên facebook, bạn bè tôi học ngoài Hà Nội nó hỏi :

– Ê. Trường mi có đồng phục luôn hả?

– Ừ mi.

– Nhìn nó ngộ ngộ í nhở!!!

Vậy mà cái “ngộ ngộ” ấy lại là thói quen đấy. Chỉ tiếc là cái áo trắng đồng phục trường tôi nó “hơi menly” mà tôi thì “hơi mũm mĩm” nên tôi mặc không được đẹp, tất nhiên rất nhiều sinh viên khác mặc đẹp lắm! Cũng nhờ cái áo trắng ấy mà giờ đi đến đâu, thậm chí có khi đang chạy xe và chỉ cần nhìn thấy hình ảnh quen thuộc ấy mà tôi bất giác : “Ồ! Trường mình.“À quên, còn cái áo xanh thể dục nữa – cái màu xanh mát mẻ mà tôi thích ấy – sinh viên trường ta mặc định luôn cũng là đồng phục mặc dù nó chỉ phù hợp cho việc học GDTC thôi”.

Nhớ về những tháng ngày năm nhất ấy, thực sự trong tôi lúc này có quá nhiều cảm xúc: ừ thì vui cũng nhiều, tiếc một chút và thoáng một nỗi buồn.Vui vì tôi cũng đã làm lớp trưởng KQ14A được gần 1 năm, được cùng cả lớp trải qua những giây phút tuyệt vời của sinh viên năm nhất. Buồn một chút vì không thể tiếp tục trách nhiệm đó dù tôi biết mọi người vẫn rất ủng hộ tôi. Tiếc rằng cái năm nhất ấy nó trôi qua thật nhanh và nhẹ nhàng. Để bây giờ cô sinh viên năm 2 này vẫn nhớ lắm về nó: Nhớ buổi lớp đi chơi Thảo Cầm Viên, cùng nhau chơi mấy trò mà từ nhỏ tới lớn tôi chưa một lần được chơi; nhớ cái buổi con trai lớp tôi tổ chức 8/3 cho chị em; nhớ lần thi kéo co thua ngay trận đầu mà vẫn “lì lợm” lấy dây thừng của BTC ra chơi nhảy dây đến nỗi dụ được BTC chơi cùng; nhớ đợt đi hội trại khoa nấu ăn thiếu thốn đủ thứ vậy mà trại tôi ẵm luôn cái giải nhất nấu ăn. Nhưng nhớ nhất vẫn là đợt học quân sự. Đó là quãng thời gian chúng tôi sinh hoạt khoa học nhất, trách nhiệm nhất của đời sinh viên. Quá nhiều thứ để tôi nhớ về nó: tiếng kèn báo hiệu “thần thánh”, những cây kem chuối ngon không cưỡng nổi….. Và còn trái đu đủ phòng E104 chúng tôi kịp “chôm” trong khuôn viên khu quân sự vào mấy ngày cuối khóa học bằng chính khẩu AK47. Chỉ khi ở nội trú tại đó bạn mới thấu hiểu cái sự “thèm rau” đến mức độ nào. Và cả những chiều muộn gió lồng lộng quanh Hồ Đá một mình, cái se lạnh nơi đây khiến tôi nhớ mùa đông Thanh Hóa, nhớ nhà, nhớ mẹ, nhớ cô bạn thân và nhớ… một người nữa…da diết…Đã 2 cái tết rồi tôi ăn tết trong này…

Hai năm, tôi cũng đã trải qua đủ cảnh sống cuả môi trường đại học này. Ở cùng người thân, ở ghép nhà trọ và cả ký túc xá nữa. Ký túc xá trường tôi nhỏ thôi, nó nằm cùng cơ sở 2 nên nhiều khi nấn ná thêm vài phút ngủ tiếp dù chuông báo hiệu giờ học reo inh ỏi. Nếu có thể bạn hãy một lần ở ký túc xá đi. Rất thú vị đấy! Đó là cơ hội bạn được chung sống với nhiều người ở những vùng miền khác nhau, tính cách cũng khác nhau. Bạn sẽ học được cách sắp xếp đồ dùng của mình tại những vị trí là không gian riêng của bạn – chỉ là chiếc giường tầng đủ một người nằm và ngăn tủ đủ chứa đồ của bạn. Tất cả những vị trí khác đều là không gian chung. Bốn tháng ở đó dạy cho tôi nhiều hơn 12 năm học đã qua. Tựu chung lại cũng chỉ ở 2 chữ “ tôn trọng “ mà thôi. Tháng đầu ở ký túc, tôi ăn cơm tiệm, cơm căn-tin, ăn mì. Ba tháng sau đó tôi nấu “chui”. Lúc đầu là mình tôi, sau đó nửa tháng cả phòng nấu chung. Lần đầu tiên trải qua cảnh một cái nồi cơm điện nấu đủ 3 món cơm, canh, đồ mặn. Hoặc có những bữa tiệc nho nhỏ với cái món chúng tôi gọi cho có tên là “ lẩu”. Mỗi lần nấu ăn là một lần “nêu cao tinh thần cảnh giác” với BQL ký túc xá. Tôi dám chắc là không chỉ mình chúng tôi đâu mà rất nhiều, rất nhiều phòng khác cả nam lẫn nữ đều trong hoàn cảnh vậy. Và những chiều muộn đứng tựa lan can nhìn xuống sân ký túc xá, tự hỏi sao không có bóng dáng bạn nữ nào tập tành hay chơi môn thể thao nào đó. Rồi môt vài chiều bất chợt khác, tôi quyết định xuống sân xin một chân đá cầu cùng mấy bạn nam chả biết lớp nào. Sau mỗi lần như vậy, tôi như vừa trút được những mệt mỏi trong suy nghĩ nhờ những giọt mồ hôi. Nhiều lúc một mình lặng ngắm ký túc, tôi nhận ra môi trường này là an toàn với bất kỳ ai nhưng đôi khi sự an toàn lại khiến cho bản thân mình cảm thấy tù túng. Sinh viên là phải xông xáo, năng động, tích cực hoạt động mà.

Đó, NĂM NHẤT CỦA TÔI, sơ sơ là vậy đó. Còn các bạn thì sao ?

Năm 2 của tôi qua gần 3/4 rồi. Việc tôi thi đậu vào và theo học tại GTS có thể coi đó là một chữ “ duyên “ trong cuộc đời. Năm đầu tiên tôi thi vào GTVT Hà Nội ngành Quản trị kinh doanh nhưng không đạt. Tôi ôn thi lại một năm.Và khoảng thời gian làm hồ sơ thi đại học lần 2 thực sự tôi phải suy nghĩ thật nhiều. Qua tìm hiểu kỹ lưỡng thông tin các trường đại học, tôi làm một hồ sơ cho ĐH Kinh tế – Luật và một cho GTS. Phút cuối lựa chọn của tôi là GTS. Cái duyên với hai chữ “ giao thông” xuất phát từ đó.

Gần một nửa chặng đường tôi qua gắn bó với ngôi trường có“ Bài ca Giao thông”:

” Ai hỏi cháu cháu học trường nào đấy ?
Lớp thì đông mà con gái thì không
Không đàn bà mà chỉ có đàn ông
Trường của cháu đây là trường giao thông.”

Ấy vậy mà từ ngày tôi vào miền Nam này cũng không biết bao nhiêu lần trả lời câu hỏi “ cháu học trường nào?” Và cũng phải đến 80% số lần ấy nghe thêm câu này :

“ Trường giao thông ở quận 9 của Hà Nội phải không cháu ?”

Tôi không buồn vì điều đó, chỉ là hơi tiếc khi “độ phủ sóng” ra xung quanh trường ta còn hẹp quá. Rồi có trường hợp người ta nói với chúng tôi rằng: Học trường mình ra trường xin việc chật vật lắm. Tôi thiết nghĩ điều đó cũng chả quan trọng gì khi mà hiện nay chả ít sinh viên mấy trường top trên tốt nghiệp với tấm bằng loại ưu vẫn chưa tìm được việc làm là chuyện bình thường. Dù vẫn biết cần nhìn về tương lai để có hướng đi phù hợp nhưng tôi lại nghĩ việc quan trọng lúc này và cho đến khi tôi ra trường là học tập và tích lũy cả kiến thức và kỹ năng để phục vụ cho tương lai.

Nhiều người khi biết tôi học GTVT TP.HCM khá ngạc nhiên, càng ngạc nhiên khi biết tôi chọn Kinh tế Xây dựng. Họ cho rằng con gái theo cái nghề đó vất vả lắm. Nhưng khi bạn có đam mê, không gì là không thể mà phải không ?

GTS của chúng ta đang sắp sửa đón tuổi thứ 28. Một chặng đường không quá dài nhưng không phải là ngắn với không ít thành tích đã đạt được. Nhưng đâu đó vẫn còn nhiều lắm những trăn trở của sinh viên, giảng viên, nhân viên trong trường về cơ sở vật chất, chương trình đào tạo, môi trường học tập và hoạt động rèn luyện. Thiết nghĩ bất cứ trường ĐH – CĐ nào cũng gặp phải những khó khăn nên bản thân tôi hiểu được điều đó. Mấy ngày trước tôi tham gia buổi đối thoại giữa người học và nhà trường của trường ta và ngày hôm đó đọng lại trong tôi nhiều suy nghĩ.Trường ta còn thiếu thốn lắm. Rất nhiều câu hỏi của sinh viên được gửi đến tại buổi đối thoại và đáng suy nghĩ nhất với tôi là câu nói của thầy Trần Thiện Lưu – P. Đào tạo cùng với hành động của thầy ngay sau đó : “ Trong số gần 400 câu hỏi có đến 98 câu hỏi gửi cho Phòng Đào tạo, tuy nhiên chúng tôi tự hỏi chúng tôi đã làm được những gì để phục vụ các em khi mà trong 98 câu hỏi ấy, chúng tôi không nhận được một lời khen chúng tôi làm được gì. Tôi xin nhờ cái bạn có mặt tại đây chuyển tới toàn thể sinh viên của trường cái cúi đầu xin lỗi với các em.” Cái cúi đầu xin lỗi trước sinh viên của thầy làm tôi tự hỏi : Sinh viên trường ta đã thực sự quan tâm đến những vấn đề liên quan đến chính chúng ta ?

Nhưng tôi tin tưởng một điều rằng ngôi trường Đại học GTVT TP.HCM đang lớn lên đẹp hơn và hoàn thiện từng ngày.

Giờ đây khi viết ra những dòng này, tôi chợt nhận ra tình cảm tôi dành cho ngôi trường này và những gì tôi có thể làm cho nó đẹp hơn mặc dù tôi cũng chỉ là một sinh viên bình thường như bao nhiêu sinh viên khác trong trường.Khi ta ý thức được điều mình đang và cần phải làm cho môi trường mà ta đang tham gia, bạn sẽ nhận thấy ở đó là sự trân trọng.

Và tình yêu tôi dành cho GTS chính xác là sự trân trọng những gì tôi có được ở đó, thông cảm cho những khó khăn còn tồn tại.

ĐH GTVT TP.HCM trong tim tôi – đơn giản như vậy thôi. Để ngày ngày lên lớp là một ngày học tập vui vẻ và bổ ích.Và những khoảnh khắc tôi gắn bó với nó là một khoảnh khắc đẹp trong đời sinh viên mà sau ngày có khi muốn mà không quay lại được. Vậy nên ngay từ lúc này, từng giây từng phút trôi qua trên quãng đời sinh viên len lỏi trong tôi khi tôi đón nhận và nâng niu.

Vài ba dòng chữ viết ra chưa bao giờ là đủ cả. Có những điều tôi nên giữ lại một chút trong tôi, để những khi ngồi dưới hàng sử quân tử xanh mát những yêu thương nơi sân trường ấy, nhìn ngắm bóng dáng những chiếc áo trắng của những kỹ sư tương lai lướt qua và từng góc nhỏ của ngôi trường này, tôi nhẹ nhàng một nụ cười trên môi hoặc tự nhủ trong lòng : “ Tôi yêu trường của tôi.’’