Sinh viên rầm rộ khởi nghiệp (Bài 3): Khởi sai dễ mất nghiệp

CTG – Bên cạnh những lợi thế, sinh viên gặp nhiều khó khăn, trắc trở khi khởi nghiệp như khó cân bằng việc học và việc quản lý cơ sở khởi nghiệp của mình. Có sinh viên khởi nghiệp chệch hẳn với nghề dẫn đến hoang mang…

Học tập sa sút

Phoòng Văn Đạt (quê ở Móng Cái, Quảng Ninh) hiện là sinh viên năm thứ ba ngành Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Công nghiệp Việt – Hung. Đạt khởi nghiệp từ năm thứ hai đại học bằng cách mở chuỗi cửa hàng bánh mì, kem. Ban đầu, Đạt thất bại vì sản phẩm quá quen thuộc, mức độ cạnh tranh cao. Tuy nhiên, Đạt chuyển sang kinh doanh vỏ giấy quấn kem và hiện có thu nhập cao. Thế nhưng, để có được những thành công đó, Đạt phải đánh đổi rất nhiều thứ khi phải sống trong “hai thế giới song song”, gồm thế giới học tập và thế giới kiếm tiền.

“Ở độ tuổi sinh viên, công việc chính, quan trọng nhất vẫn là việc học, thu nạp, chuẩn bị kiến thức thật tốt. Vì vậy, nếu muốn khởi nghiệp sớm, nên chọn công việc phù hợp để không ảnh hưởng quá nhiều đến học tập. Khi đã chọn rồi, cần có cách quản lý thời gian, công việc, học tập một cách hợp lý. Điều mà không ít sinh viên khởi nghiệp mắc phải là thiếu tính kế hoạch trong quá trình khởi nghiệp; không xác định được việc nào quan trọng trong ngắn hạn và dài hạn”. Bạn Phoòng Văn Đạt, sinh viên Trường ĐH Công nghiệp Việt – Hung.

Đạt chia sẻ: “Em từng tập trung quá nhiều thời gian vào việc làm giàu nên kỳ vừa rồi suýt nữa phải học lại mấy môn liền. Theo em, việc khởi nghiệp sớm là rất tốt, vì được học hỏi những kiến thức thực tế, giúp cho việc học trên lớp hiệu quả hơn. Tuy nhiên, chỉ cần lơ là, kết quả học tập sẽ sa sút. Để vừa làm giàu, vừa học tập tốt cần sự hối hả và sự tập trung sắc bén”.

anh-bai-3-3989

Hà Văn Yên, sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam phải dừng việc kinh doanh nước hoa cao cấp (công việc bắt đầu từ khi còn học cấp 3) để tập trung vào việc học.

Trần Đình Hiếu, sinh viên năm nhất ngành Kinh tế đối ngoại, Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội, quyết định khởi nghiệp một cách bất ngờ với kinh doanh ẩm thực. Hiếu bước chân vào khởi nghiệp sớm vì có một nhóm bạn thân đều là sinh viên ngành kinh tế cùng rủ nhau làm. Nhóm Hiếu rất nghiêm túc, bài bản khi liên tục họp với nhau để phân công nhiệm vụ, khảo sát nhu cầu, xây dựng thương hiệu, logo, tìm nguồn hàng, thương lượng giá cả…

Hiện dự án của Hiếu và nhóm bạn đã bắt đầu “chạy” nhưng cậu đã phải đánh đổi bằng bảng điểm kém. “Chương trình học tiếng Anh ở trường rất nặng, lịch dày đặc mà thời gian đầu mở quán lại rất nhiều việc nên kết quả học tập bị ảnh hưởng rất nhiều. Kì đầu tiên, em có học bổng của nhà trường nhưng các kỳ sau, do tập trung nhiều thời gian vào khởi nghiệp nên không đủ để cạnh tranh học bổng với các bạn”, Hiếu chia sẻ.

Khởi nghiệp trái ngành đang học

Làm trái ngành mình theo học là khúc mắc lớn nhất trong các startup (dự án khởi nghiệp) của sinh viên.

Hà Văn Yên, sinh viên năm cuối ngành Khoa học môi trường, Học viện Nông nghiệp, là trường hợp khá đặc biệt khi khởi nghiệp từ lúc học phổ thông trung học. Lên lớp 11, Yên đã biết nhập nước hoa cao cấp từ nước ngoài về bán. Làm nhiều năm, nhiều mối hàng, đông khách, công việc của Yên rất bận rộn và thu nhập cao. Tuy nhiên, Yên lại rơi vào trạng thái “bâng khuâng đứng giữa đôi dòng nước” khi ngành đang học không có liên quan gì với công việc kinh doanh hằng ngày của em.

“Việc khởi nghiệp đã ảnh hưởng đến việc học rất nhiều. Em đã bị mất tập trung một thời gian dài, kết quả hai môn Hóa và tiếng Anh xuống rất thấp. Sau đó, em buộc phải dừng khởi nghiệp để hoàn thành nốt việc học còn dang dở. Theo em, mặt trái của việc khởi nghiệp sớm ở sinh viên chính là sự mất tập trung trong học tập. Các bạn sẽ bị xao lãng, bị lôi cuốn theo những đồng tiền kiếm được và dần coi việc học là phụ, kiếm tiền là chính, khó hoàn tất được việc học. Để có thể cân bằng, chúng ta cần phân bổ thời gian hợp lý để cân bằng hai việc cùng lúc. Xa hơn là phải có một kế hoạch, chiến lược lâu dài cho cuộc đời, cho sự nghiệp của mình”, Yên nói.

Hiện có nhiều sinh viên lăn lộn với những nghề không liên quan đến ngành đang học như Yên. Những cơ sở kinh doanh của họ không phải là một môi trường thực hành cho kiến thức được học ở nhà trường. Tuy nhiên, nhiều người vẫn đang mắc trong mối phức tạp đó.

Thạc sĩ Phan Hồng Giang, giảng viên môn Khởi nghiệp, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, nhận định: “Sinh viên khởi nghiệp sớm, trái ngành không quá ảnh hưởng đến việc học tập. Lựa chọn từ bỏ con đường học hành để tập trung thời gian cho hoạt động khởi nghiệp hay bỏ khởi nghiệp để tập trung hoàn toàn vào học tập là không nhất thiết”.

Nguồn: Báo điện tử Tiền Phong.

2023-09-04T00:16:22+07:0030/08/23|

Leave A Comment

Go to Top