CUỘC THI “TRƯỜNG ĐẠI HỌC GIAO THÔNG VẬN TẢI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH TRONG TIM TÔI”

BÀI DỰ THI THỂ LOẠI VIẾT   –    MÃ SỐ DỰ THI : 29

Tên : Lê Hà Minh
Lớp : KT14D
MSSV : 

Ngày … tháng …. Năm 200x

Đề bài: Viết một bài văn miêu tả ngôi trường đã gắn bó với em trong nhiều năm qua.

“Trường học là ngôi nhà thứ hai của em. Nơi đây, em học được những điều hay lẽ phải, nơi có cô giáo như mẹ hiền, nơi có bạn bè như anh em… Em yêu trường em lắm, dù sau này có phải rời xa nhưng em cũng không bao giờ quên được mái trường thân yêu của em…”

Có lẽ trong chúng ta, thời học sinh còn cắp sách đến trường, ắt hẳn rằng ai cũng một lần trong đời đã “phải” viết, viết, hay muốn viết về ngôi trường của mình, ngôi trường dẫu chẳng nói tình cảm lên thành lời nhưng hình bóng của nó đã in trong trái tim mỗi chúng ta. Hồi nhỏ, lớp 5 lớp 6, có lẽ rất rất rất nhiều bạn nhỏ viết bài văn kiểu y chang như tôi vừa nói trên, nhưng thực sự, ngay cả tôi cũng vậy, viết là viết vậy, nói hơi thẳng chút là nhiều bạn chống đối, rập khuôn. Để rồi khi đọc lại, chúng ta lại bật cười khi nhớ lại cái thuở ngây ngô ấy, bật cười khi hồi đó mình nói :”Em yêu trường em lắm” mà có lẽ đến bây giờ mới biết là yêu, là nhớ cái chốn ấy, còn khi ấy vừa đặt bút viết yêu mà hậm hực: “Mình ghét nhất là viết văn và làm bài tập về nhà”. Còn bây giờ có lẽ là tôi sẽ lại đặt bút để viết, nhưng không phải để chống đối làm bài về nhà hay nộp chép văn mẫu để lấy điểm mà tôi sẽ viết những gì chân thành nhất về trường tôi, về ngôi nhà thứ hai ấy, là “TRƯỜNG ĐẠI HỌC GIAO THÔNG VẬN TẢI TRONG TRÁI TIM TÔI”.

Nếu ai hỏi tôi rằng tôi học trường nào? Tôi sẽ không mất một giây nào để tự hào trả lời: Giao thông vận tải Hồ Chí Minh (GTS). Tôi biết và có lẽ là hơi thẳng và thiếu tế nhị nhưng thật ra có rất nhiều bạn ngần ngại khi trả lời tên trường của mình. Đúng, trường mình không quá to, quá đẹp, quá lộng lẫy, bề thế sang chảnh như một số trường khác. Con người nơi đây cũng đơn giản, chân chất như chính cái chất kỹ thuật vốn có trong con người họ cũng như như ngôi trường…Còn nhiều, còn nhiều lắm… Nhưng những thứ đó lại khiến tôi yêu, khiến tôi tự hào, nó như một nét riêng của chúng tôi không lẫn đi đâu được. Có lẽ khi tôi viết dòng này, có thể là trùng với khá nhiều bạn trong cuộc thi, ai cũng yêu trường cả chứ không phải riêng tôi, có thể là ai đó sẽ nói tôi “chém gió” hay “câu like”. Tôi đến với cuộc thi khá tình cờ, tôi biết là một đứa sinh viên năm 2 như tôi chắc chắn là chưa đủ vốn sống, chưa đủ trải nghiệm để tự viết một câu chuyện về đời mình, về sự thay đổi của mình, vì thực sự tôi quá nhỏ bé, về quá yêu trường hay không. Hơn thế nữa, tôi lại là một đứa khá nhút nhát, ít hoạt động, nói hơi không khiêm tốn một chút thì là mọt sách, nên những gì tôi làm được, tham gia được từ các hoạt động của trường không có nhiều, tôi không phải là một photographer để có những tấm hình lung linh về trường của mình, cũng không phải là một đứa thích chụp ảnh để lưu lại nhiều khoảnh khắc đẹp của mình ở trường nhưng tôi sẽ viết, viết bằng cảm xúc của mình, không mục đích, tuy ngắn ngủi, cộc cằn, thô kệch, nhưng chỉ mong có người sẽ muốn đọc nó. Gác lại đôi lời chia sẻ cá nhân của tôi, tôi sẽ kể cho các bạn nghe về trường của tôi nhé?

Trường của các bạn là gì? Là Bách Khoa Hà Nội à? À, là thư viện Tạ Quang Bửu – 1 trong những thư viện lớn nhất trong các trường ĐH Việt Nam, là cổng parapol đặc trưng, nổi tiếng… Trường các bạn là gì? Là Sư phạm? À, là liễu rủ, là con đường tình yêu, … Còn trường tôi không có những thứ đó, nhưng tôi tự hào về trường tôi lắm… Trường tôi là gì?

Trường tôi là gì? Là Giao thông vận tải HCM. Cái tên đã nói lên tất cả. Tức là trường tôi đào tạo ra những kỹ sư tương lai cho ngành Giao thông vận tải. Nghe có vẻ xa xôi hoành tráng quá nhỉ. Nhưng khoan, hãy nghe tôi kể nhé.

Ngày trước khi vào ĐH, tôi cứ tưởng như mọi người nói: “Cố nốt đi vào ĐH nhàn không ấy mà.” Nhưng không, nhầm, nhầm to rồi. Những điều đó hoàn toàn không đúng khi bạn đến với Giao thông. Để tiếp thu được những kiến thức và hơn thế nữa mở rộng nó phục vụ cho chuyên ngành của mình trong tương lai, với kinh nghiệm gần 2 năm học tập ở đây, tôi nghĩ nó sẽ không “nhàn” một chút nào nếu bạn thực sự cố gắng.Hợp lý thôi, vì đặc trưng của trường tôi là kỹ thuật. Tôi không biết là với những người bạn thông minh khác việc học tập có “nhàn” thật hay không. Nhưng với tôi thì thực sự là không hề dễ dàng chút nào cả.

Kỹ sư… Tương lai chúng ta sẽ là những người kỹ sư. Nghe thì danh giá nhưng mọi người đâu biết bao khó khăn đang chờ đợi chúng tôi.Chúng ta khéo chọn thật các bạn nhỉ. Trong khi những người bạn ngành khác như Kinh tế hay một số ngành nhẹ nhàng khác họ được ngồi văn phòng, máy lạnh, trang điểm xinh đẹp, váy vóc thì sau này chúng ta, những anh em Giao thông vận tải vẫn phải lao đao ngoài công trường để thi công, giám sát công trình dưới trời nắng như đổ lửa, theo công trình bụi bặm cả tháng mới được về nhà, là những người thủy thủ lênh đênh làm bạn với biển, với sóng cả năm trời với được về nhà, những người bạn đầu tắt mặt tối với máy móc cơ khí, tay chân mặt mũi lấm lem dầu máy, hay như chính chúng tôi, thầy giáo tôi đã từng nói: nhiều khi nửa đêm mà tàu về vẫn phải chạy ra cảng, hoặc là đeo một balo, laptop đầy chứng từ, chân mang giày sắt nặng lắm, trèo lên cái gangway (cầu thang tàu), tay vin bằng dây thừng đầy dầu mỡ, mà đừng nhìn xuống, nhìn xuống là… xác định. Một đứa nhát gan lại sợ độ cao như tôi:”Thế thì làm sao em leo được?” nhưng vẫn quyết tâm: Nhất định mình sẽ phải cố gắng để được lên một cái tàu Handymax bằng được. Các bạn có biết là gì không? Chính là Kinh tế vận tải biển của tôi, tình yêu của cuộc đời tôi !

Trường tôi là gì? – Là chiếc áo đồng phục thân thương ấy. Có thể nhiều bạn không thích đồng phục vì nó không phong cách, không thời thượng… Nhiều người nói con gái Giao thông khá thiệt thòi khi con gái trường khác tha hồ thể hiện vẻ đẹp còn các bạn phải mặc đồng phục con trai. Nhưng không, tôi lại rất yêu màu áo trắng Giao thông. Nó đơn giản, như chính Sinh viên Giao thông, như chính chất Kỹ thuật đã chảy trong huyết mạch của mỗi chúng tôi vậy. Đâu cần phải cầu kỳ, phải suy nghĩ hôm nay mặc gì? Chiếc áo không đơn thuần chỉ là đồng phục, nó thể hiện lòng tự tôn của chúng tôi với chính ngôi trường của mình. Hồi tôi mới vào ĐH, thấy cái áo đồng phục của tôi, em gái đã tò mò: “Chị, sao lại có biểu tượng cái mỏ neo?” . Vâng, đó cũng chính là một trong những biểu tượng của ngôi trường tôi, nơi tôi thích gọi là ngôi trường Đại dương.

Trường tôi còn là gì nữa? À là thầy cô của tôi. Những người mà trước đây, trước khi vào ĐH, tôi đã nghĩ: Giảng viên Đại học chắc là khó tính lắm, là gì đó xa vời lắm. Nhưng không, lại một lần nữa tôi nhầm rồi. 2 năm học ở đây, tôi thấy giảng viên của mình khá thân thiện, dễ gần, và đặc biệt là có vốn kiến thức quả thật tôi rất ngưỡng mộ. Các thầy cô đã đưa chúng tôi đến những đại dương bao la, nơi có những con tàu khổng lồ, đưa chúng tôi đến những vùng đất xa lạ với những khát khao khám phá, cảm nhận được tiếng rì rào cũng mỗi con sóng, lúc hiền từ, lúc trỗi dậy mạnh mẽ, muốn cuốn trôi tất cả. Nói lãng mạn vậy thôi, chứ trở về thực tế thì không phải là lúc nào cũng mơ mộng như “Biển một bên và em cũng một bên”, mà là suốt ngày loanh quanh với con số, tính cước phí thế này, hệ số lợi dụng trọng tải ra sao, hay đâm va tàu ai có lỗi này nọ rồi tỷ giá ngoại hối, cung cầu… Đấy, sự thật nó phũ phàng vậy đấy. Nói vui vậy thôi, chứ nhờ có thầy cô là người chỉ đường, mà chúng tôi đã dễ dàng tiếp nhận kiến thức hơn rất nhiều, và cũng thú vị hơn rất nhiều. Thầy cô là sứ giả truyền cảm hứng. Ngay cả như tôi, một người ban đầu vốn không thích chuyên ngành của mình lắm, nhưng đến nay là cuối năm 2, tôi nhận ra rằng không phải mình đã chọn sai đường. Tôi có may mắn là mình được làm Cộng tác viên của phòng Công tác Sinh viên – ngôi nhà đầu tiên của tôi khi bước chân vào Giao thông vận tải, từ khi còn đăng status lên Facebook:”Làm sao để tự tin hơn khi bước vào môi trường ĐH” và được thầy Nguyễn Minh Đức – sư phụ của tôi thu nạp làm đệ tử, nên qua các đợt khảo sát, tôi tiếp xúc và biết được khá nhiều ý kiến của các anh chị đang là sinh viên và là cựu sinh viên của trường. Rất nhiều anh chị đã nói rằng, chất lượng đào tạo phần cứng của trường rất tốt, thầy cô giảng dạy rất nhiệt tình và anh/chị đã áp dụng được khá nhiều kiến thức từ đó vào công việc hiện tại của mình và trưởng thành hơn từ môi trường ĐH hơn rất nhiều. Bởi vậy, tôi có thể tự tin hơn khi nói lên ý kiến của mình về vấn đề khách quan này, đến với Giao thông, yên tâm nhé! Nhưng không phải thế là đủ đâu, để thành công trong tương lai, bản thân các bạn cũng phải cố gắng rất nhiều đấy!

Giao thông vận tải, trường tôi, là gì? Là nụ cười tỏa nắng của những cô gái Giao thông trong màu áo trắng giản dị. Không son phấn, không váy, không đầm, không giày cao gót. Nhưng tôi thấy họ thật đẹp. Dịu dàng xinh xinh, những cô Kỹ sư tương lai. Có thể họ chẳng cầu kì, điệu đà như con gái trường khác đâu, nhưng thực sự trong mắt tôi, họ rất đẹp. Đẹp không bởi vẻ bề ngoài mà đẹp bởi cả vẻ đẹp trí tuệ. Tôi ngưỡng mộ những người con gái Công trình, Xây dựng, Hàng hải … những ngành Kỹ thuật vì họ giải những bài Cơ học, Sức bền, Vật lý… ngon ơ. Vì với tôi, những ai làm được những gì tôi không làm được, tôi nhìn họ như những vị thần trên đỉnh núi Olanh pơ. Ngành tôi chỉ là bán kỹ thuật mà tôi còn khó khăn vậy, bởi vậy mới thấy họ siêng năng cần cù như thế nào. Rồi sau này, những con người ấy chẳng ngại đen da, là con gái mà miệt mài theo Công trình, theo tàu, mặt lấm lem dầu máy mà nụ cười vẫn không tắt, Và quan trọng hơn cả, họ không hối hận khi lựa chọn con đường cho mình – Giao thông. Và cả những chàng trai giao thông cũng không kém phần đặc biệt. Người ta nói con trai Kỹ thuật không hoa mỹ, không cầu kỳ, ăn nói chẳng ngọt ngào, đơn giản có đúng không nhỉ? Tôi chưa tiếp xúc được với nhiều người nhưng có lẽ với những người bạn của tôi thì đúng như vậy thật. Có những con mọt sách, đi uống nước cũng đem sách đi học, nhưng cũng có cả những anh chàng đủ tài lẻ: guitar, hát, nhảy … Và cũng như chúng tôi, họ cũng chẳng cầu kỳ gì về cách ăn mặc, nhiều khi lý do không hẳn;”Tao bận quá, không ủi áo” mà thực ra :”Lớp toàn trai, có ai nhìn mà cầu kì, áo quần, giày dép vuốt gel tóc tai các kiểu”. Vậy đấy, con trai Giao thông, một sự thật thà, ngây ngô đến đáng yêu. Nhưng cũng thật đáng nể. Đó là những bạn SV đem về cho trường các giải Olympic, nghiên cứu khoa học, các cuộc thi học thuật… Đó là những bạn dù hoàn cảnh khó khăn vẫn vươn lên học tập, rèn luyện có được thành tích tốt. Đó là những cựu sinh viên Giao thông, đã, đang và sẽ thành công, góp phần thêm vào những bông hoa tươi sáng tô điểm cho trường. Tất cả, tôi, bạn và chúng ta tạo nên những SV Giao thông vận tải HCM, một vườn hoa đa sắc màu.

Còn gì nữa nhỉ, Giao thông? À, cái này thân thuộc lắm nè. Giao thông, là 3 cơ sở chạy mệt nghỉ luôn. Giao thông, là những bông sen thuần khiết soi bóng xuống mặt hồ yên ả. Giao thông, là giàn hoa ti-gôn lúc nào cũng khoe sắc trước nắng sân trường như chính trường tôi, luôn phát triển không ngừng và ngày càng tỏa sắc. Là Kí túc xá, kỉ niệm khó quên trong đời sinh viên của tôi cũng như các bạn sinh viên khác. Là môi trường tập thể đầu tiên khi sống xa nhà. Là những lúc nhớ nhà đến thổn thức bật khóc trong đêm mà không muốn cho ai thấy mình yếu đuối, vậy mà đứa bạn giường bên vẫn biết, hai đứa nằm cùng giường mà nhắn tin cho nhau, rồi ôm lấy nó khóc. Đó tình bạn, là những lần cãi vã giận hờn, nhưng vẫn không bao giờ tách được nhau. Là những lúc cô đơn, bế tắc đến chẳng có ai sẻ chia đến nỗi cứ chiều chiền học xong là ngồi đúng cái ghế đá đó, đưa mắt nhìn xa xăm. Lúc ấy, ghế đá ngẩn ngơ, bằng lăng cũng dại khờ. Thời Sinh viên, thật đẹp, dù chắc chắn sẽ có khó khăn nhưng quan trọng là phải biết vượt lên chính bản thân và hoàn cảnh của mình. Là thời gian học quân sự, một trong những kỉ niệm đẹp của thời sinh viên. Dù ăn uống, ngủ nghỉ khổ cực nhưng quan trọng là đó là thời gian gắn kết các thành viên của lớp nói riêng và toàn trường nói chung. Giao thông, là dãy những cây xoài mà gọi vui là “Xoài Giao thông” và chém gió rằng:”Ăn xoài giao thông đảm bảo qua môn” nhưng lấy không được với với xém rơi từ tầng 2 xuống. Là khi đứa bạn trời đánh trêu bà chằn, cái dép tôi bay vù vù lầu 4 xuống mái nhà lầu 2. Lúc ấy, mặt méo xệch. Vui rồi, lát đi về với 1 chân đất và 1 chân dép nhưng vẫn tự hào vì dép mình có cơ hội tham quan nóc nhà Giao thông. Vui lắm. Giao thông, đặc biệt lắm! Giao thông, đã xua tan khái niệm sai lầm về Đại học và những sự xa lạ về bạn bè, về thầy cô của tôi trước đó. Giao thông, đúng là ngôi nhà thứ hai của tôi, nơi tôi có những đồng đội thật tuyệt vời! Tôi đã từng đọc ở đâu đó:” Mỗi giai đoạn của cuộc đời đều có một mùi vị đặc trưng. Lúc thì như kẹo ngọt, vui tươi, hạnh phúc, trong sáng. Lúc thì như những trái đắng, đau khổ, buồn bã, tuyệt vọng. Lúc thì mùi vị quả sầu riêng, có gì khó ăn, thế nhưng sẽ làm cho ta nhớ mãi. Nhưng mùi vị tuổi thanh xuân, có lẽ … là đặc biệt nhất, vì nó vừa là vị kẹo ngọt, đôi khi là trái đắng, vừa có vị sầu riêng. Đó là những cảm xúc hạnh phúc, vui vẻ, tươi sáng. Đôi lúc lại là những khoảnh lặng, đau đớn, những khoảnh khắc như muốn gục ngã và ta không thể nào quên…”.Và có lẽ tôi và các bạn đều đang được trải qua những mùi vị đó trong thời sinh viên với ngôi trường yêu dấu của mình. Thời gian trôi nhanh lắm, các bạn đừng để thời gian trôi qua mới hối tiếc nhé. Tuổi thanh xuân chỉ có một, thời sinh viên cũng chỉ có một. Hãy sống hết mình với ngôi trường của mình. Một số bạn cũng đừng hối hận khi thấy không hợp với trường. Quan điểm của tôi là hãy tập yêu cái mình đang có. Hãy tự tạo động lực cho mình, các bạn còn có sự giúp đỡ từ thầy cô và chính chúng tôi. Giao thông luôn chào đón bạn!

Bước sang tuổi 28 – chúc cho Giao thông vận tải HCM của tôi ngày càng phát triển và mãi mãi là ngôi nhà thứ hai của nhiều bạn sinh viên từ khắp Bắc Trung Nam. Dù cơ sở vật chất còn nhiều hạn chế, dù tất cả mọi thứ chưa được hoàn hảo, dù còn nhiều điểm chưa thể hài lòng được mọi người, nhưng tôi tin rằng trường tôi sẽ sớm hoàn thiện về mọi mặt cũng như mỗi sinh viên chúng ta cũng sẽ cải thiện bản thân và chứng tỏ được bản thân mình khi rời ngôi trường Đại học để bước vào cuộc sống và để tự hào nói rằng:”Tôi đã/đang là Sinh viên GTVT HCM”.

Nói về trường tôi, nói về tình yêu của tôi, có lẽ vài dòng viết vội không thể nào lột tả được hết được. Tôi không có nhiều hình ảnh đẹp, không có nhiều ngôn từ hoa mỹ, trau chuốt để nói về tình yêu đối với Giao thông, nhưng chắn chắn rằng “Giao thông luôn ở trong trái tim tôi, hiện tại và mãi mãi!”