Bài thi số 07 cuộc thi Viết “Khoảnh khắc yêu thương”:

Họ và tên: Bùi Thị Trúc Ly – Nhóm 5 – Mái ấm Camilo 

Link facebook: https://www.facebook.com/lyly.bui.161

Ai rồi cũng đến lúc cũng phải già đi.Chỉ là hiện tại thấy sức khỏe còn tốt,đầu óc vẫn còn minh mẫn nên thấy ta còn trẻ trung mà thôi.Vậy khi già đi ta trông mong vào ai?Đó là câu hỏi tôi muốn đặt ra cho mọi người nói chung và mái ấm Camilo nói riêng.Khoảnh khắc mà tôi và nhóm tôi chứng kiến đã đọng lại trong tôi bao suy nghĩ,suy nghĩ về những cuộc đời kém may mắn ở tuổi già.

Lon sữa yêu thương ,chương trình đầu tiên nhóm đứng ra phụ trách thực hiện, một chương trình cũng như thử thách đầu tiên với sự bỡ ngỡ,non trẻ của đội ngũ ban cán sự nhóm 5.Chuyến đi lần này đã đưa tôi tới mái ấm Camilo,một nơi mà tôi chưa từng biết đến.Một xíu trục trặc đã làm ảnh hưởng đến kế hoạch cùng với cái nắng oi ỏi gây khó chịu nhưng không vì thế làm mất đi tình đồng đội của chúng tôi.

Những hình ảnh mà tôi đã hình dung trước đó về mái ấm đã bị dập tắt hoàn toàn sau khi tôi bước chân vào cổng.Dưới những bàn tay khéo léo của các sơ,những căn phòng,khu vườn cũng như nơi sinh hoạt đều gọn gàng và ngăn nắp.Chúng tôi giúp các sơ làm những công việc:nấu ăn,dọn vườn,lau cửa,…Tuy chỉ là những công việc tẻ nhạt mà chúng tôi làm thường ngày nhưng sao hôm nay cảm xúc lại dâng trào đến thế.Công việc của tôi là trò chuyện,nhưng tôi không thể nào bắt kịp chuyện hết với 10 cụ.Vì sự thiếu đi tình cảm gia đình,tình thương con cháu khiến vài cụ tổn thương về tâm lí,ngại tiếp xúc nhưng tôi đã xoa dịu bằng những cái nắm tay ,những câu hỏi thân thuộc ,với cả lòng kính trọng của tôi,các cụ dần mở lòng và tạo ra cuộc nói chuyện thân mật.

Những chi tiết của giờ sinh hoạt tôi còn mãi lưu luyến,hình bóng các cụ nở nụ cười với những câu chuyện hài hước,những bản nhạc của các bạn đem lại.Nụ cười ấy như xua tan đi sự cô đơn,bất hạnh .Để quên đi khó khăn hay có niềm tin nào đó trong cuộc sống ở cái tuổi gần đất xa trời này,nụ cười ấy cũng làm cho tôi không thể quên và niềm xúc động lắng lại trong tôi.

Camilo những mảnh đời bất hạnh ở đó có những tấm lòng nhân ái tràn đầy tình người.Những mảnh đời bất hạnh nhưng bù lại đó là những con người đầy nhiệt huyết góp sức mình để nuôi dạy,cưu mang và tạo thành 1 nơi gọi là gia đình.Tuy rằng ở đó không đủ tiện nghi và cũng không được như một gia đình hoàn chỉnh nhưng nơi đó chứa rất nhiều tình cảm của những lòng nhân ái đối với họ.

Thấm thoát vài tiếng đồng hồ đã trôi qua ,giờ chia tay lưu luyến và đầy cảm xúc của nhóm tôi.Nhờ vào chương trình mà đã cho các thành viên nhóm 5 một cảm nhận khác về cuộc sống của các cụ ở mái ấm Camlilo nói riêng và các mảnh đời bất hạnh khác nói chung.Khi sinh ra thì mỗi con người có một số phận riêng,một màu sắc cuộc sống riêng.

Với riêng tôi ,từ thuở lọt lòng đã được tình yêu thương của gia đình nên thực sự tôi không hiểu hết được nỗi đau các cụ,nhưng ít ra khi tiếp xúc tôi đã hòa mình vào câu chuyện và cảm thấy các cụ đáng thương đến nhường nào.Điều ấy càng khiến tôi yêu thương ,trân trọng những người thân mình hơn ,đặc biệt là cha mẹ .Tôi tự hứa với bản thân mình sẽ luôn quan tâm ,chăm sóc những người dạy tôi khôn lớn ,để những cảnh tôi vừa chứng kiến sẽ không xảy ra với những người tôi yêu thương.

Có thể nói đây là trải nghiệm vô cùng ý nghĩa,cho tôi cảm nhận thật sự tình nguyện là như thế nào.Qua chương trình lần này tôi có cái nhìn khác về tình nguyện.Dù tôi và các bạn áo xanh không giàu về vật chất nhưng những con người tràn đầy sức trẻ cùng “chung tay góp lửa yêu thương”.Hẹn một ngày gần nhất tôi sẽ quay lại.

Bài thi số 08 cuộc thi Viết “Khoảnh khắc yêu thương”:

Họ và tên: Duy Ngọc Hiểu Hân – Nhóm 7 – Mái ấm Nhân hậu

Link facebook: https://www.facebook.com/han.duy.967

“ Sự sẻ chia và tình yêu thương là điều quý giá nhất trên cuộc đời này. “

Ngày hôm ấy, dường như không hề giống với những ngày khác, cái ngày mà tôi đã chờ rất lâu. Chính là cái hôm chúng tôi đến “ Mái ấm Nhân hậu ” ở Bình Dương, một mái ấm xa nhất, mái ấm có những điều hết sức đặc biệt, mái ấm của những sự cô đơn và buồn bã, mái ấm ít được biết tới.

Đây là lần thứ 2 tôi đến đây nên khung cảnh ở đây có phần thân quen. Đó là nơi của những cụ già neo đơn, những cụ già không còn khả năng đi lại. Những cụ già hằng ngày được sự chăm sóc của các Sơ. Những cụ già luôn mong chờ ai đó đến gần mình để tâm sự hết nỗi buồn trong lòng. Nhìn thấy chúng tôi, trên gương mặt đầy nếp nhăn ấy là một nụ cười hạnh phúc, một nụ cười của sự hy vọng. Chúng tôi tranh thủ làm hết công việc để có nhiều thời gian tâm sự với các cụ. Các cụ thấy tôi đi ngang qua là gọi cho bằng được, có cụ còn nắm tay không cho tôi đi, có cụ thấy tôi liền ngồi dậy tươi cười và liền gọi vào chơi. Các cụ tâm sự với tôi nhiều thứ lắm. Có cụ thì lâu lâu bảo “ Lấy cái xuồng ra đây”, có lẽ lúc trước cụ ở ven sông. Có cụ hồi trước làm giám đốc thì bảo “ Tôi đuổi việc cô bây giờ”. Các cụ đều xuất phát từ những hoàn cảnh khác nhau nhưng giờ đây đều có chung số phận và luôn cất giấu một nỗi buồn chất chứa. Tôi cũng chỉ đem lại cho các cụ một chút sẻ chia nhỏ nhoi mà thôi. Các cụ liên tục hỏi tôi “ Khi nào con về “, “ Tết nhớ vào chơi nữa nha con “. Những lời nói đó làm cho tôi nghĩ mình đã may mắn hơn các cụ khi luôn có gia đình ở bên. Còn các cụ thì luôn sống trong sự cô đơn và không có ai để nương tựa. Nhưng cũng phải luôn cảm ơn các Sơ ở đây luôn chăm sóc từng bữa ăn, giấc ngủ cho các cụ dù rằng các Sơ sẽ không thể nào thay thế như người thân của các cụ nhưng đó cũng là một phần nào đó giúp các cụ có niềm tin vào cuộc sống hơn. Có lẽ ấn tượng với tôi nhất là câu nói của một cụ trong phòng chăm sóc đặc biệt “ Cháu còn cha mẹ thì hãy yêu thương họ khi còn có thể nhé“. Câu nói đó nghe đơn giản thế mà sao nó cứ lâng lâng trong lòng tôi cho đến tận bây giờ.

Thật tuyệt khi đã đặt sức trẻ của mình vào đúng nơi, đúng chỗ. Sự cho đi của tôi ngày hôm ấy quá ít ỏi so với những gì mà tôi đã cảm nhận được. Đây là một chuyến đi sau 18 năm đã làm cho tôi phải suy ngẫm nhiều nhất. Chuyến đi mà tôi không bao giờ muốn kết thúc, tôi muốn nó kéo dài mãi mãi. Ngày hôm ấy bắt đầu từ những chuyến xe vội vã và kết thúc bằng những bước chân chậm rãi chẳng muốn khỏi nơi ấy. Chuyến đi đã chạm đến mọi ngóc ngách trong lòng tôi. Chuyến đi của những công việc còn dang dở, chuyến đi của những yêu thương, của sự sẻ chia đong đầy. Thanh xuân của tôi càng trở nên thú vị vì có chuyến đi này.

“ Những Chiến Binh Hồng “ đã có một ngày trải nghiệm ý nghĩa như thế đấy!!!

“ Vì cuộc đời là những chuyến đi. Đi để chạm, đi để cảm, đi để trải nghiệm. “

Bài thi số 09 cuộc thi Viết “Khoảnh khắc yêu thương”:

Họ và tên: Nguyễn Thị Thảo – Nhóm 5 – Mái ấm Camilo

Link Facebook: https://www.facebook.com/profile.php?id=100009437624289

“Con có mệt không?“…

Đó là câu hỏi luôn khiến tôi suy nghĩ trong những ngày vừa qua…

Một ngày chủ nhật khác lạ, tôi không còn cuộn tròn trong chăn như bình thường nữa, thay vào đó là cùng nhóm 5 – là chiến hữu, là anh em của tôi chuẩn bị mọi thứ để bắt đầu cuộc ghé thăm “Mái ấm Camilo”. Ở đây, tôi gặp được các cụ bà, các cụ đã lớn tuổi rồi, tai cũng không còn nghe được rõ nữa, chân cũng không thể đứng vững mà phải ngồi xe lăn. Nhưng tôi ấn tượng rằng, mặc dù đã lớn tuổi, nhưng ai cũng vui vẻ giúp đỡ nhau. Lịch sinh hoạt ngày hôm đó của các cụ khá là dày, những ánh mắt đang nhìn chúng tôi đó, là những cặp mắt đen buồn, là cả một bầu trời tâm sự, những câu chuyện cứ vậy mà được sẻ chia. Có chuyện buồn, chuyện vui, những tiếng vang oanh liệt thời trẻ được tiết lộ. Thật tuyệt khi nghe cụ kể về cuộc đời của mình, ánh mắt cụ sáng lên đầy tự hào khiến tôi không khỏi thán phục. Cái cách các cụ nắm tay tôi thật sự làm tôi xúc động, hơi ấm đó lan tỏa, làm tôi cảm thấy mình được yêu thương, được quan tâm hơn và cũng chính là sự tin tưởng mà các cụ đã dành cho một đứa chưa gặp cụ lần nào như chúng tôi. Nhóm đã cùng nhau phụ mái ấm dọn dẹp vườn và làm một bữa cơm nhỏ cùng ăn với các cụ. Ai cũng rất nhiệt tình và dường như chúng tôi đã gắn kết với nhau hơn rất nhiều.

Mỗi một ai ghé ngang qua cuộc đời ta đều để lại những điều quý giá. Tôi cảm nhận điều đó rất sâu sắc khi một cụ đẩy xe lăn đến cạnh tôi khi tôi đang nấu dở nồi canh và hỏi rằng: “Con có mệt không?” Lúc đấy cảm xúc tôi rất khó tả, xúc động có, vui có, buồn có, nhưng điều hiện diện lớn nhất lúc này chính là hai chữ “bình yên”. Tôi đã nở nụ cười với cụ, đó chính là nụ cười không phải là tươi nhất, nhưng chính là nụ cười tôi đặt tâm huyết của mình vào nhiều nhất…

Nhóm xin chân thành cảm ơn Đội đã tổ chức một chương trình ý nghĩa, cho tôi hiểu hơn những hoàn cảnh, những điều giản dị và chân thành tại “Mái ấm Camilo”. Đôi khi không cần hào nhoáng, không cần xa xỉ, mà với một cái nắm tay, với một câu hỏi, một câu chuyện hay chỉ là những ánh mắt quan tâm cũng đủ làm chúng ta ấm lòng…

Bài thi số 10 cuộc thi Viết “Khoảnh khắc yêu thương”:

Họ và tên: Phạm Bùi Tiểu My – Nhóm 5 – Mái ấm CAMILLO 

Link Facebook: https://www.facebook.com/profile.php?id=100010324477334

Tôi có nghe mẹ tôi từng nói rằng : “Niềm hạnh phúc của tuổi già là được ở cạnh con cháu, được thấy con cháu mình có cuộc sống đầy đủ và hạnh phúc là cha mẹ khi về già đã cảm thấy vui rồi…”

Tuổi 18 là độ tuổi nhiệt huyết của tuổi trẻ, tôi thi đậu trường ĐH Giao Thông Vận Tải TP.HCM và biết đến Đội CTXH của trường qua bạn bè và anh chị trong ngày nhập học, vậy là tôi quyết định tham gia, trở thành một thành viên của Nhóm 5 – K18 của Đội CTXH trường ĐH GTVT TP.HCM.

Chương trình “Lon sữa yêu thương” là hoạt động đầu tiên tôi tham gia cùng nhóm . Theo kế hoạch đã được thống nhất, chúng tôi được phân công đến mái ấm CAMILLO – nơi mà theo tôi được biết là mái ấm dành cho những người già neo đơn ở một con đường nhỏ tại quận 8. Vậy là sáng sớm chủ nhật ngày 18/11/2018 nhóm 5 chúng tôi tập trung tại cơ sở 1 của trường với tinh thần nhiệt huyết và hứng khởi nhất, mang theo những thùng sữa yêu thương và di chuyển ra bến xe bus để bắt đầu cuộc hành trình đến Mái ấm CAMILLO của nhóm. Qua 2 chuyến xe bus và khoảng 15 phút đi bộ, cuối cùng chúng tôi đã đến nơi mà chúng tôi cần đến.

Cảnh tượng ban đầu khi bước vào cổng nhà các cụ là dãy nhà đơn sơ nhưng khá là sạch sẽ và một mảnh vườn nhỏ chưa được quét dọn. Còn các cụ thì hầu như ai cũng phải ngồi xe lăn và đang trong phòng làm lễ. Chúng tôi ngồi đợi các cụ làm lễ xong, chào hỏi rồi giúp đẩy xe lăn đỡ các cụ vào phòng nghỉ ngơi. Sau đấy chúng tôi quyết định ngồi lại giữ trật tự nhất có thể và lên kế hoạch dọn dẹp khu nhà giúp các cụ.

Rồi chúng tôi mỗi người một tay, cùng nhau dọn dẹp nhà cửa, vườn tược. Người xách xô, người cầm chổi, người nhổ cỏ, người tỉa cây,… mỗi người một tay cố gắng giúp cho ngôi nhà thoáng mát hơn một chút. Nhóm thì bắt tay vào chuẩn bị bữa trưa cho các cụ. Cuối cùng mọi thứ cũng hoàn thành.

Trước giờ ăn trưa, chúng tôi được nói chuyện giao lưu với các cụ. Có tất cả 10 cụ bà, nhưng lại tới tận 8 người đã phải ngồi xe lăn khiến việc đi lại hơi khó khăn, còn cụ còn lại có lẽ vì bệnh của tuổi già khiến chân cụ đi đứng cũng không được bình thường nữa. Chúng tôi ngồi xung quanh các cụ, làm quen cũng như hỏi han về sinh hoạt hàng ngày của các cụ như thế nào. Các cụ hàng ngày cũng tự chăm sóc cho nhau với sự giúp đỡ của cô Nhi. Sau đấy chúng tôi dành tặng những bài hát và bài nhảy mà chúng tôi đã chuẩn bị cho các cụ xem. Đến bài hát Bà ơi bà tôi chợt nhìn qua cụ Hạnh, cụ vừa mỉm cười vừa vỗ tay theo nhịp bài hát khiến tôi lại chợt nhớ tới bà ngoại tôi, hồi tôi còn bé, ngoại tôi cũng thích nghe tôi hát và dạy tôi múa theo bài hát đó. Lòng tôi chợt nghĩ cũng đã lâu rồi tôi chưa về thăm ngoại, vì vậy nụ cười trên gương mặt cụ Hạnh càng làm tôi thêm gần gũi và thân quen hơn cả… Và tôi thầm cảm ơn những mái ấm như CAMILLO đã tạo ra nơi cho những mảnh đời neo đơn ở tuổi già có nơi để nương tựa cũng như tạo ra những niềm vui cho các cụ. Tuy không phải là niềm vui từ con cháu trong gia đình đem đến nhưng đó là niềm vui của cuộc sống mà mái ấm CAMILLO đã đem đến cho các cụ.

Cuộc đời con người thật ngắn ngủi, mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, chẳng có ai lựa chọn được nơi mình sinh ra và ai cũng mong muốn cho mình có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc, nhưng ngặt nỗi số phận của mỗi người lại không giống nhau, có người may mắn, nhưng cũng lắm người sống trong bệnh tật, cô đơn, không người thân và không nơi nương tựa. Kết thúc chuyến đi , nụ cười trên khuân mặt của các cụ có lẽ là kỉ niệm đẹp để lại dấu ấn trong tôi nhất.

Chuyến đi đến mái ấm CAMILLO lần này không những đưa chúng tôi lại gần và cảm thông với những mảnh đời không được may mắn mà còn đưa các thành viên Nhóm 5 – K18 Đội CTXH chúng tôi càng thêm gần nhau hơn. Và tôi đã hiểu thế nào là “Chúng ta có nhiều hơn một gia đình.”❤️

Bài thi số 11 cuộc thi Viết “Khoảnh khắc yêu thương”:

Họ và tên: Võ Phước Dư – Nhóm 8 – Mái ấm: Cơ sở nuôi dạy trẻ em khuyết tật Thiên Phước

Link facebook: https://www.facebook.com/profile.php?id=100007104605439

Trong tất cả những nơi mà tôi đã từng đặt chân đến, trong tất cả những kỷ niệm mà tôi đã từng có, mái ấm Thiên Phước là nơi ghi lại trong tôi những xúc động khó phai nhất.

Thiên Phước đón chúng tôi vào buổi sớm chủ nhật đẹp trời trong sự hân hoan của đàn em nhỏ. Khi chúng tôi vừa đến, các em chạy ùa ra như bầy chim vỡ tổ. Những chú chim non ấy, líu ríu chạy đến ôm chân chúng tôi, nắm tay dẫn chúng tôi đi xung quanh để “ríu rít” về ngôi nhà chung ấm áp của các em. Nhìn các em vui đùa, nghịch ngợm một cách lạc quan, lòng tôi bỗng dưng cảm thấy ấm áp lạ thường!

Thông điệp mà “Lon sữa yêu thương” muốn truyền tải là chúng tôi mang yêu thương đến cho các em nhỏ mồ côi, khuyết tật, nhưng ý nghĩa mà tôi cảm nhận đươc một cách sâu sắc hơn đó chính là các em mới là những người san sẻ yêu thương cho chúng tôi, truyền những thông điệp nhân văn đến chúng tôi, khơi dậy lòng trắc ẩn mà những ai được sinh ra trong những gia đình hạnh phúc có lẽ không bao giờ hiểu được.

Các em chính là người dạy cho chúng tôi biết cách yêu thương, biết cách sống và biết trân trọng cuộc sống của mình nhiều hơn nữa. Ở nơi đó – ngôi nhà Thiên Phước đó – có những em không nhìn thấy ánh sáng nhưng nụ cười lạc quan của các em chính là ánh sáng. Có những em không nghe được âm thanh nhưng bản thân các em chính là những thanh âm sống động nhất mang đến hạnh phúc và yêu thương cho cuộc sống xung quanh. Hầu hết các em đều không thể nói được như người bình thường nhưng những hành động của các em, sự lạc quan của các em, sự trong trẻo của các em chính là ngôn từ vượt trên cả những ngôn từ hoa mỹ nhất. Khoảnh khắc tạm biệt các em trong sự lưu luyến khôn nguôi khiến tôi thấy trái tim mình như nghẹn lại, vừa xúc động vì tình cảm của các em dành cho mình, lại vừa xót xa cho những bất hạnh mà các em phải gánh chịu. Giây phút ấy tôi chỉ ước rằng mình có một đôi cánh thật rộng để dang ra che chở cho các em. Nhưng tôi biết rằng, với tất cả những gì ở hiện tại tôi chỉ có thể mang đến cho các em một chút ấm áp từ lòng yêu thương vô bờ bến của mình, nhưng tôi tự hứa với lòng rằng sau này sẽ trở thành một người thành đạt để có khả năng mang đến cho các em những điều kiện vật chất lẫn tinh thần.

Qua chuyến đi này tôi nhận thức sâu sắc một điều rằng: để yêu thương chúng ta cần phải biết cách yêu thương và để yêu thương được trọn vẹn, chúng ta phải có đủ khả năng để yêu thương. Hi vọng rằng Thiên Phước không chỉ đón chúng tôi mà ngày càng đón nhận được những yêu thương từ nhiều nhà hảo tâm khác.

Bài thi số 12 cuộc thi Viết “Khoảnh khắc yêu thương”:

Họ và tên: Lê Phan Bảo Lâm – Nhóm 5 – Mái ấm Camilo

Link facebook: https://www.facebook.com/Baolamln

“ Một chuyến đi là một trời trải nghiệm”

Mái ấm Camillo do cô Lê Thị Kính (trước đây là giáo viên của trường Trung học Hồng Bàng quận 5) thành lập vào năm 1996. Địa chỉ 45/36/60 Cao Lỗ, quận 8, HCM (hẻm khu phố 8).

Theo lời của cô Kính, Camillo là tên của một cha Thánh. Ngài là tấm gương của sự nhân ái và bao dung, đã dành phần lớn cuộc sống của mình chăm sóc cho những người nghèo khó, bệnh tật. Cô Kính đặt tên cho mái ấm của mình là Camillo để Ngài soi sáng cho con đường cô đi.Hầu hết các cụ ở đây không còn đi lại bình thường được mà phải ngồi xe lăn. Có một cụ là đi lại được mà rất yếu. Mọi người ở đây đều thiếu tình thương của gia đình nên sống với nhau rất tình cảm. Cụ khỏe sẽ chăm sóc cho cụ yếu hơn.

Một buổi sáng bình thương như mọi ngày tôi thức dậy khi trời còn tờ mờ sáng, xếp sếp mọi việc xong xuôi nhóm chúng tôi bắt đầu di chuyển lúc 7h, bắt đầu một cuộc hành trình với 21 con người với 21 tính cách khác nhau nhưng chung trong mình là lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ, lòng yêu thương người vô vàng. 8h45 sáng sau hơn một tiếng rưỡi di chuyển bằng hai tuyến xe buýt chúng tôi đã có mặt tại mái ấm , bước vào cửa các khuông viên ở đây vừa vặn nhưng mà thoáng mát nhiều cây. Lúc này các cụ đang dự lễ và chúng tôi nhẹ nhàng đi vào trong và chuẩn bị cho chương trình. Bắt tay vào công việc tôi và các bạn dọn dẹp lại khuông viên của mái ấm. Sửa chữa lại các cột rào dăng lưới lại cho hoàn thiện. Làm vườn cây lại cho sạch sẽ chậu được xếp vào ngày ngắn. Các bạn bên hậu cần đã cùng các cô ở mái ấm chuẩn bị cho các cụ một buổi cơm trưa tuy đơn sơ nhưng đậm đà tình nghĩa. Mất khoảng một tiếng đồng hồ cũng là lúc các cụ làm lễ xong.

Khi mọi thứ đã xong, nhóm bắt đầu giao lưu với các cụ. mở đầu mọi người được nghe cô Nhi hát tặng một bài hát “mái ấm camilo” và chúng tôi lặp lại 2 từ cuối. Có lẽ sẽ là một ấn tượng khó quên với mọi ngườì khi chúng tôi cùng tham gia văn nghệ với các cụ.

Sau khi giao lưu xong chung tôi bắt đầu vào bửa ăn cơm ấm cúng và quây quần bên các cụ, và tôi lại biết thêm tên một món ăn mới đó là gà rút xương các bạn biết là món gì không? Bật mí là trứng gà luộc nhé Ăn trưa xong cũng là lúc nghĩ trưa. Là lúc chúng tôi ra về nhưng lại nhận được lời của cô My ở lại dọn dẹp vệ sinh hai bên đường vào mái ấm. làm xong công việc chúng tôi được cô mời ở lại uống nước cũng là lúc được vui chơi với tụi nhỏ quanh mái ấm. Thời gian đã không còn và chúng tôi phải ra về, chào tạm biệt mọi người.

Một chuyến đi ý nghĩa đối với tất cả mọi người Một ngày cùng nhau, không đủ để hỏi han, chuyện trò, để được gần gũi và chia sẻ bớt một phần nỗi cô đơn của các cụ.Chúc các cụ khỏe mạnh và sống thật vui vẻ trong mái ấm.

Tôi Mong rằng được tham gia nhiều chương trình như vậy cùng các bạn nữa!