Bài thi số 13 cuộc thi Viết “Khoảnh khắc yêu thương”:

Họ và tên: Lại Thành Đạt – Nhóm 10 – Trung tâm Bảo trợ xã hội Nhân Nghĩa

Link facebook: https://www.facebook.com/nomenhocsinh

Bây giờ là khoảng 14 giờ 30 phút. Đây là lúc chúng tối và các cụ sinh hoạt, giao lưu cùng với nhau. Chúng tôi cùng hát một bài hát tập thể để thổi bùng không khí trở nên sôi động và đánh tan cảm giác lúng túng ngại ngùng khi lần đầu gặp các cụ ở đây. Bỗng ở xa tôi thấy có một cụ đang đẩy nạng đi tới phía chúng tôi. khuôn mặt cụ tươi cười ngây ngô, đôi chân bước có phần nhanh hơn. Thấy cụ tôi lại thấy nao nao trong lòng. Nhìn cụ cứ như được hồi xuân vậy miệng cụ lúc nào cũng mỉm cười ấm áp đầy nắng xuân khi nhìn thấy chúng tôi hỏi từng người chúng tôi là “Cháu có mệt không?”. Rồi tiếp đó cụ tiến tới cùng với chúng tôi để góp vui cùng với các cụ khác ở đây cùng nhau ngồi tâm sự, trò chuyện cùng với chúng tôi, cụ và các cụ ở đây xem chúng tôi như những đứa cháu trong nhà vậy rất quan tâm chúng tôi và căn dặn tôi nhiều điều.

Đây là một trải nghiệp hết sức tuyệt vời. Đối với tôi mỗi một giây trôi qua đều là một khoảng khắc. Tùy thuộc vào cách chúng ta nhịn nhận và đối mặt nó ra sao. Hãy để thanh xuân của bạn trôi qua thật ý nghĩa.

 

Bài thi số 14 cuộc thi Viết “Khoảnh khắc yêu thương”:

Họ và tên: Trần Nguyễn Như Quỳnh – Nhóm 6 – Mái ấm Từ Tâm

Sau những ngày giông bão sẽ là một trời nắng đẹp.

Người ta nói: Tuổi trẻ giống như một cơn mưa rào, dẫu có thể vì nó mà bị cảm, nhưng bạn vẫn nguyện đắm mình thêm lần nữa.

Sau hai lần tạm hoãn, chuyến xe đến “Mái ấm Từ Tâm” của nhóm 6_ CTXH_GTS cuối cùng cũng lăn bánh. Nhân duyên là gì mà khiến cho những con người như chúng tôi dù bị dời lần 1, lần 2 vẫn vững lòng không nhụt chí, vẫn kiên định và đầy lòng nhiệt thành. Đến mái ấm, chúng tôi ngoài tinh thần sung sức ấy, ngoài trái tim sẻ chia ấy, ngoài sự nhiệt tình ấy, chúng tôi chẳng có gì cả. Nhưng chao ôi! Sao những thứ nhận được lại nhiều đến thế, lại khiến cho không chỉ riêng tôi mà những người đồng đội của tôi đều có một chút cảm xúc gì đó khó tả đến lạ lùng.

Ngay từ những bước chân đầu tiên vào cổng mái ấm, chúng tôi đã được tiếp đón bởi sự niềm nở, rạng rỡ và háo hức của các sơ và các em nhỏ. Sự hân hoan hiện rõ trên từng nét mặt. Lúc đó, tôi nhận ra: “À, chính tôi cũng đang được sống trong tình người bao la. Khoảnh khắc mà chúng ta cho đi, đừng vội, hãy chậm lại một nhịp thôi, đủ để biết những thứ ta nhận được còn nhiều hơn thế nữa”.

Trong khoảng thời gian sinh hoạt ích ỏi cùng các em, có một cô bé đã để lại cho tôi rất nhiều ưu tư và suy nghĩ.Với tôi, em là cô bé có đôi mắt giàu cảm xúc nhất. Em đón tôi bằng ánh mắt rạng rỡ nhất, chia tay tôi bằng ánh mắt quyến luyến nhất. Em hay ngồi trước cửa hướng ra cổng, mỗi khi tôi hỏi em sao không vào cùng chơi với các bạn, em chỉ cười và theo tôi vào trong, một lúc lại trở ra. Không hiểu sao, nhìn vào mắt em, tôi nhận ra được một nỗi buồn man mác. Em không nói, không muốn nói hay không thể nói, như cái khoảnh khắc mà chúng tôi chào tạm biệt, đôi bàn tay bé nhỏ và khô ráp nắm lấy tay tôi như muốn níu giữ_ em vẫn không nói lời nào. Ngay lúc này đây, trái tim tôi cảm giác như đang đeo vào một tảng đá nặng, lòng trĩu lại. Dù là khi nói lời tạm biệt, chúng tôi đã ôm nhau rất nhiều lần nhưng sao lòng lại nặng trĩu đến vậy. Có phải chăng, cả em và tôi đều hiểu rằng: giữa dòng đời xô bồ tấp nập, có còn khoảnh khắc nào tươi đẹp, có còn kí ức não vỡ òa như lúc này?

Tôi quay lưng bước đi sau những cái vẫy tay lưu luyến, để lại đằng sau là những ánh mắt dõi theo của các sơ, các em và cả em ấy nữa.Thầm cầu chúc những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với các em. Bởi lẽ, đời người sinh là khổ, bệnh là khổ, già là khổ, chết là khổ…..Phật dạy: đời là bể khổ nên đừng mong kiếp này sống bình an, kiếp này tĩnh lặng.
2-12-2018. Đoạn nhân duyên tốt đẹp giữa tôi, các đồng đội của tôi với các em nhỏ khuyết tật, bại não được bắt cầu nối bởi Đội CTXH_GTS.

Cảm ơn vì đã cho tôi một hồi ức khó quên, một trải nghiệm bổ ích và một hành trình cho tâm hồn và cảm xúc trưởng thành.

Bài thi số 15 cuộc thi Viết “Khoảnh khắc yêu thương”:

Họ và tên: Đỗ Nhật Linh – Nhóm 12 – Mái ấm Nhà tình thương Họ Đạo Búng

Ngày 02/12, cái ngày mà trước kia đối với tôi là một ngày bình thường nhưng kể từ bây giờ nó lại vô cùng đặc biệt. Nó mang lại cho tôi nhiều cảm xúc, vui có, rối ren cũng có. Nhưng chung lại nó vẫn khiến cho không chỉ riêng tôi mà cả những đồng đội của tôi một nỗi niềm nào đó không thể quên…mang tên “Lon sữa yêu thương”.

Có thể nói để có được chuyến đi ngày hôm nay chúng tôi phải vượt qua mùa mưa bão, hụt hẫng khi chương trình bị hoãn lại vì lí do khách quan. Mọi thứ đều được chúng tôi chuẩn bị kĩ càng chỉ chờ đem ra xe và đi thôi thế nhưng cơn bão lại ập đến khiến cho mọi thứ phải chững lại. Mọi chuyện sẽ ổn thôi, “Sau cơn mưa trở lại sáng” ấy mà. Thế là chuyến đi của chúng tôi cũng đã bắt đầu.

Như thể để bù đắp lại, thời tiết hôm nay đẹp đến lạ thường. Chúng tôi cùng nhau ngồi trên chuyến xe buýt di chuyển đến “Nhà tình thương Họ Đạo Búng”. Ai nấy đều hào hứng và vui vẻ, nụ cười vẫn hiện hữu trên môi mỗi người. Cùng lúc này trong tôi lại có một cái gì đó hồi hộp và lo lắng. Không biết ở đó sẽ đón nhận chúng tôi như thế nào, rồi những gì chúng tôi đã chuẩn bị có thể giúp cho các em cảm thấy thoải mái, vui tươi được hay không. Sau tất cả những suy nghĩ đó thì chúng tôi cũng đã đến nơi, bước vào trong chúng tôi được chào đón bởi những sự háo hức, hồn nhiên từ các bạn nhỏ. Tất cả các em ở đây đều có một hoàn cảnh đặc biệt, vì một lý do nào đó mà các em nhận được sự cưu mang từ các cha. Các em lớn có vẻ trầm tính hơn hẳn bởi chính em đang nhận thức rõ hơn về mọi thứ xảy ra với mình, còn những em nhỏ có thể không biết hoặc là đang mơ hồ về cuộc đời mình chăng, các em vô tư nói cười cùng với anh chị. Sau khi giúp đỡ cha dọn dẹp, phụ giúp một số công việc thì tôi cùng với những người bạn của mình có một khoảng thời gian vui chơi và trò chuyện cùng với các em. Tôi như sống lại với những ngày tháng tuổi thơ, vô lo, vô nghĩ, cùng các em chơi những trò chơi mà tôi đã từng. Tôi có ngồi cạnh một em nhỏ:

– Chị ơi, chơi hất hình không chị?

– Được chứ, quá vui luôn.

– Chị sắp thua rồi, em nhường chị đi chứ.

– Nãy giờ em nhẹ tay với chị rồi.

Bỗng nhiên lúc này, trong đầu tôi thoáng có một suy nghĩ, tại sao những em nhỏ hồn nhiên, thông minh, lanh lợi như thế này lại phải chịu những hoàn cảnh đau thương như vậy. Cớ sao ngày nay lại có nhiều người may mắn được sống với bố mẹ thì lại không biết trân trọng. Từ đó trong tôi càng thêm quyết tâm, tôi tự hứa với lòng mình phải yêu thương, trân trọng gia đình của mình nhiều hơn nữa, cố gắng thật nhiều để sau này có điều kiện để giúp đỡ các em nhiều hơn, bù đắp những vết khuyết trên những mảnh đời ấy. Tôi không hứa nhưng chắc chắn sẽ cố gắng quay trở lại đây thêm lần nữa để làm được nhiều điều ý nghĩa hơn cho các em.

Một chuyến đi không thể nào quên, dù ít dù nhiều thì cũng động lại trong mỗi chúng ta một cảm xúc gì đó. Cảm ơn Đội Công tác xã hội đã cho chúng em có được cơ hội được đến với “Nhà tình thương Họ Đạo Búng”, cảm ơn nhóm 12 yêu quý đã đồng hành, chia sẻ với nhau, cùng nhau cảm nhận nhiều hơn về cuộc sống, hiểu hơn về những mảnh đời. Khiến cho lòng phải tự nhủ rằng phải trân quý cuộc sống này nhiều hơn.

Bài thi số 16 cuộc thi Viết “Khoảnh khắc yêu thương”:

Họ và tên: Phan Nguyễn Tuyết Mai – Nhóm 12 – Mái ấm Nhà tình thương họ Đạo Búng

Link facebook: https://www.facebook.com/phannguyen.tuyetmai

– Năm nay em bao nhiêu tuổi rồi?

– Em cũng không biết nữa.

Đó là câu trả lời rất ngây thơ và hồn nhiên của một cậu bé mà tôi gặp lúc tham gia chương trình “Lon sữa yêu thương” của Đội CTXH GTS ở Nhà Tình Thương Họ Đạo Búng – nơi nuôi nấng và dạy bảo những đứa trẻ mồ côi.

Ai đó trong mỗi chúng ta đều có cho mình một gia đình, một mái ấm nhưng những đứa trẻ ở nhà tình thương thì lại khác. Các em cũng có một gia đình nhưng gia đình ấy lại thiếu đi tình yêu thương cũng như sự quan tâm, chăm sóc của ba mẹ và người thân.

Có những đứa trẻ được chính ba mẹ và người thân đưa vào đây và khi tôi hỏi rằng “ ba mẹ có hay vào thăm em không” thì nó hồn nhiên trả lời rằng “lâu lâu thôi chị”. Một câu trả lời nghe có vẻ đơn giản và nhẹ nhàng nhưng đôi lúc cũng làm tôi cảm thấy nhói lòng, có chút gì đó hơi đắng và nghèn nghẹn ở cổ. Ngay lúc đó trong đầu tôi liền đặt ra rất nhiều câu hỏi rằng tại sao họ lại đối xử với con mình như thế, tại sao lại để con mình thiếu thốn tình cảm như thế, tại sao không cho nó được một cuộc sống đầy đủ như bao đứa trẻ khác mà lại đưa chúng vào Nhà Tình Thương. Đã như vậy sao lại còn “lâu lâu” vào thăm bọn trẻ rồi lại gieo cho nó chút hi vọng, khơi dậy sự thèm khát mang tên “tình yêu thương của ba mẹ”, chính ba mẹ là người đưa nó đến thế gian, là người gieo hi vọng cho nó và cũng chính là người dập tắt đi nhưng tia hi vọng đang le lói kia?? Tại sao vậy chứ?? Muôn vàn những thắc mắc cứ quanh quẩn mãi trong đầu tôi mà chẳng thể nào thoát ra được.

Không chỉ vậy, có những đứa trẻ mà khi đến đây, chúng còn không biết được rằng mình là ai, mình bao nhiêu tuổi và tại sao mình lại ở đây. Tôi đặc biệt ấn tượng với cô bé khoảng chừng 3 tuổi. Em có một đôi mắt to và tròn, đôi mắt biết nói. Ánh mắt ấy ngay khi lần đầu tiên gặp em, tôi thấy nó đẹp lắm, rất ngây thơ nhưng…cũng rất buồn, buồn cũng giống như cuộc đời của em vậy. Tôi và mọi người hỏi gì em cũng chỉ nhìn rồi quay đi chỗ khác, em rất ít khi đùa giỡn với các bạn mà chỉ đi loanh quanh một mình rồi lại ngồi nhìn mọi thứ xung quanh với đôi mắt có chút gì đó gọi là vô hồn, vô cảm.

Nhìn những đứa trẻ vẫn cứ chơi đùa vui vẻ với nhau một cách hồn nhiên, vô tư, tôi cũng cảm thấy vui nhưng cũng có thoáng buồn, buồn cho cuộc sống cũng như hoàn cảnh của các em, liệu rằng sau này các em sẽ ra sao? Tôi tự cảm thấy rằng mình còn may mắn, hạnh phúc hơn biết bao người vậy mà lúc nào cũng than vãn. Tôi cũng có một gia đình để chia sẻ, và thấu hiểu còn bọn trẻ thì không.

Cuộc vui nào cũng phải đến lúc tàn, các em cứ quấn quýt chúng tôi mãi, không nỡ xa rời. Chúng tôi đem đến cho các em những niềm vui nhưng lại không giữ cho niềm vui ấy lâu hơn được. Hi vọng sau khi rời đi thì các em vẫn luôn vui vẻ như ngày hôm nay, vẫn nở mãi nụ cười trên môi. Giá như thời gian có thể chậm lại để chúng tôi được ở đây lâu hơn. Tôi cảm thấy vui vì được đến, được gặp gỡ với những mảnh đời bất hạnh, mình thấu hiểu và đồng cảm vs họ được nhiều hơn. Nơi đây vẫn chứa đựng một thứ tình cảm nào đó mà thế giới ngoài kia chẳng bao giờ có được.

Chúng ta hãy chung tay góp sức giúp cho cuộc sống của những đứa trẻ mồ côi trở nên tốt hơn “Đừng để trẻ phải lớn lên một mình” . Cần lắm những lòng hảo tâm cứu lấy đứa trẻ bất hạnh.

 

Bài thi số 17 cuộc thi Viết “Khoảnh khắc yêu thương”:

Họ và tên: Nguyễn Thị Mì – Nhóm 11 – Mái ấm Dân tộc Lái Thiêu

KHAO KHÁT LẮNG NGHE và được CẤT TIẾNG

Sau bao ngày mong ngóng thì hôm qua ( ngày 02 – 12 -2018 ) chương trình ” Lon sữa yêu thương ” của Đội Công Tác Xã Hội trường Đại học Giao Thông Vận Tải thành phố Hồ Chí đã được thực hiện bởi nhóm 11 với tất cả lòng nhiệt huyết và nỗ lực của các thành viên nhóm nhằm mang đến những tình cảm cùng với tấm lòng thân thương của mình đến với những em nhỏ ở mái ấm.

” Tôi đã khóc khi không có giày để đi , cho đến khi tôi nhìn thấy một người không có chân để đi giày ” . Thật vậy , chúng ta luôn đòi hỏi những thứ toàn mĩ nhất , tốt đẹp nhất mà không hề để tâm đến những mảnh đời xung quanh chúng ta . Chỉ khi ” đi ” chung trên con đường của người khác thì chúng ta mới có thể ” chạm ” đến những hoàn cảnh khác nhau của mỗi người . Và tôi thật sự nghẹn ngào khi vô tình nhận được nụ cười rạng rỡ từ phía xa của một đứa trẻ bị câm điếc bẩm sinh ở mái ấm . Em không thể nói , cũng không thể nghe được người khác nói gì với mình nhưng có một điểm đặc biệt ở em mà tôi luôn nhớ đến đó chính là nụ cười vui mừng với ánh mắt sáng rỡ lên khi gặp người khác . Từ trong ánh mắt của em , tôi thấu hiểu được trong lòng em khao khát được trò chuyện cùng bạn đồng trang lứa , được lắng nghe những gì từ thế giới ồn ào ngoài kia . Mỗi lần tôi nhìn về phía em , em luôn nở nụ cười thật tươi với tôi , lúc đấy trong lòng tôi vừa cảm thấy hạnh phúc , vừa cảm thấy xót xa cho em . Tôi thương em , thương cho những mảnh đời bất hạnh , tôi thương ” lũ trẻ ” ở nơi đây . Trong chuyến đi này thật sự có quá nhiều kỉ niệm đối với lứa sinh viên năm nhất như tôi . Đôi khi kỉ niệm sẽ có lúc chúng ta lãng quên đi nhưng chắc một điều rằng nụ cười ấy , ánh mắt ấy sẽ theo tôi mãi về sau này …

Bài thi số 18 cuộc thi Viết “Khoảnh khắc yêu thương”:

Họ và tên: Ngô Nhật Ninh – Nhóm 12 – Mái ấm Họ Đạo Búng

Facbook: Lâm Vũ.

Thứ hai tới anh không đến được đâu
Nên chú đừng có mà nhõng nhẽo,
Làm anh mày cũng chùn chân một tẹo
Nhưng mạnh mẽ là điều phải của nam nhi.

Chú mày hãy mau lớn một chút đi,
Hờ A Mạnh là cái tên của chú
Ăn to, nói lớn và khí khái bao phủ,
Rồi gáng học làm cảnh sát nghe chưa!

Hôm nay anh chỉ cõng chú đi trưa
Rồi mai sau chú phải gánh gồng đời chú.
Dẫu biết phong ba làm người ta thất thủ
Nhưng chú là đấng nam nhi chẳng chịu cúi đầu.

Anh chỉ nói chú biết phải như sao
Hãy luôn như câu truyện trong Trạng Quỷnh
Sống thiện lương và xử thế phải đỉnh.
Và anh biết chú ghét kẻ xấu thế nào!

Anh hơi buồn, chẳng biết nói thế nao
Vì có khi chính anh cũng là kẻ “xấu”.

Vì trao đi lòng yêu nửa vời chóng vánh
Mà không thể cùng sánh bước đi.

Yêu thương là cho đi.

Nhưng đâu đó cũng có chút vị kỉ.

Vì không thể san sẻ tình yêu thương của mình một cách công bằng đủ đầy cho tất cả các em.

Và vì lỡ đem lòng yêu thương hơn chút đỉnh một cậu bé đẹp trai giống anh em nhóm 12 mình=))))

Mái ấm tình thương họ Đạo Búng. 2-12-2018.